Nếp đắng được bán với giá 30.000 đồng/kg. “Làm ra được bao nhiêu có người đến mua hết bấy nhiêu, tôi chỉ giữ lại 1 tạ để bán cho bà con xa gần và để nấu xôi giỗ chạp, làm bánh. Ai cần số lượng nhiều phải đặt trước mới có. Gần đây tôi chỉ bán nếp cho những người có uy tín chứ không bán đại trà như trước vì đã từng có người cố tình trộn nếp đắng với nếp bầu giá rẻ để bán kiếm lời, làm ảnh hưởng tới thương hiệu nếp đắng Lộc Đại” - ông Binh nói.
Mỗi năm, nếp đắng chỉ trồng được 1 vụ. Nếp đắng cho năng suất cao vào vụ hè thu, còn vụ đông xuân thì ngược lại. Lúa nếp chỉ trổ qua tiết bạch lộ (đầu tháng 8), thời gian trổ và chín, thu hoạch trong vòng 1 tháng. Điều rất lạ là giống nếp này được nhiều người đem về gieo trồng ở thôn, xã khác thì độ dẻo thơm với hương vị đặc trưng giảm hẳn đi. “Ngay Quế Hiệp cũng chỉ có vùng Lộc Đại chuyên trồng nếp đắng nhưng hiện nay giống nếp này chẳng còn mấy hộ gìn giữ” - ông Binh cho biết. Nếp đắng được dùng để nấu xôi gấc, xôi đậu đỏ, xôi gà, làm bánh tro mè, bánh tổ và nhiều loại bánh khác của vùng Lộc Đại vào các dịp giỗ tiệc, tết nhứt. Nguồn gốc nếp đắng có từ đâu, ngay cả những người già nhất trong làng cũng chẳng biết rõ. “Gọi nếp đắng nhưng gạo nếp này không đắng, cây lúa nếp rạ cũng rất ngọt, vì thế sâu, chuột vẫn thích ăn” - ông Sáu Binh nói. So sánh về mặt giá trị, cây nếp đắng cho giá trị gấp 3 - 4 lần cây lúa. Mỗi sào nếp cho 2 tạ, giúp người trồng thu về 4 triệu đồng, trong khi cây lúa chỉ cho thu nhập 1,2 triệu đồng/sào. Nhận thấy giá trị cao từ cây nếp đắng, Lộc Đại từng thành lập câu lạc bộ trồng nếp đắng để phát huy, gìn giữ đặc sản bản địa nhưng sản lượng làm ra còn ít, nguồn cung nhỏ giọt,